Nhà văn John Rodrigo Dos Passos. |
Cùng Steinbeck, Caldwell, Hemingway, ông thuộc những nhà viết tiểu thuyết Mỹ được độc giả châu Âu, đặc biệt công chúng Pháp, hâm mộ trong và ngay sau Thế chiến II, mặc dù tác phẩm của ông được biết từ trước chiến tranh. Nhà văn Pháp Sartre từng coi Dos Passos là “nhà văn lớn nhất” của thế kỷ XX.
Dos Passos sinh ra trong một gia đình giàu có. Năm 16 tuổi, ông đã vào trường Đại học Harvard và đến 20 tuổi thì tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, ông đến châu Âu để học nghệ thuật và kiến trúc. Trong Thế chiến I, ông tình nguyện làm lính cứu thương ở Pháp và Italy, sau làm phóng viên ở Tây Ban Nha và Cận Đông. Trong Thế chiến II, ông làm phóng viên chiến trường.
Dos Passos hoạt động chính trị theo khuynh hướng của phe tả. Sau những trải nghiệm trong Thế chiến I, ông bắt đầu quan tâm đến chủ nghĩa xã hội. Năm 1928, ông đến Liên Xô, tò mò về thử nghiệm chính trị và xã hội của nước này, mặc dù ông rời đi với nhiều ấn tượng lẫn lộn.
Những trải nghiệm của ông trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha khiến ông vỡ mộng về nền chính trị cánh tả đồng thời cắt đứt mối quan hệ với nhà văn đồng nghiệp Ernest Hemingway. Ông trở nên bảo thủ hơn vào những năm sau1950.
Tâm trạng của ông cũng như Hemingway và Fitzgerald, là tâm trạng u buồn, thất vọng về thực tế đất nước, sự tan vỡ lý tưởng sau Thế chiến I, của “Thế hệ mất mát” (Lost Generation). Ông đã phê phán gay gắt xã hội tư bản Mỹ hủy hoại con người vì chạy theo lợi nhuận, tuy ông vẫn thiết tha với những giá trị chân chính và đặc thù của Mỹ. Qua những ví dụ cụ thể, ông muốn phê phán trật tự của con người và đặt vấn đề siêu hình về thân phận con người.
Trong sự nghiệp lâu dài của mình, Dos Passos đã viết 42 cuốn tiểu thuyết cũng như nhiều bài thơ, tiểu luận và kịch, đồng thời tạo ra hơn 400 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có kịch, sách về du lịch và các thể ký.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên có giá trị của ông là Ba người lính (Three Soldiers, 1921) vạch trần huyền thoại tô vẽ người lính và tố cáo bộ máy quân sự. Tác phẩm này giúp ông nổi tiếng và hòa nhập vào dòng văn học của “Thế hệ mất mát” đầu thế kỷ XX. Hai tác phẩm lớn của ông là Chuyến tàu ở Manhattan ( Manhattan Transfer, 1925) là bức tranh toàn cảnh, phản ánh đầy đủ cuộc sống và tinh thần của thập niên 1920; và bộ ba tiểu thuyết Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (USA, 1938), gồm: Vĩ tuyến 42 (The 42nd Parallel, 1930), Năm 1919 (Nineteen Nineteen, 1932) và Đại tài chính (The Big Money, 1936).
Đây là bộ ba tiểu thuyết không có cốt truyện chung mà là một tập hợp nhiều thể loại bao gồm truyện, ghi chép, nhật ký, phác thảo chân dung những nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ… phản ánh một nước Mỹ trong thập niên 1920 và thập niên 1930, phê phán chủ nghĩa tư bản chia đôi nước Mỹ thành một nước Mỹ của tư bản và một nước Mỹ của nhân dân.
Chuyến tàu ở Manhattan sử dụng những thủ pháp tự nhiên chủ nghĩa, ấn tượng và đồng hiện lồng các cảnh, các đối thoại, các câu chuyện vào nhau để miêu tả cuộc sống phức tạp ở New York với khu Manhattan. Những cảnh sống ở thành phố được thể hiện qua một loạt nhân vật thuộc đủ các tầng lớp xã hội: Bud, nông dân đã nhúng tay vào máu nên không trở về được; Ed Thatcher, kế toán và con gái; người Pháp Emile, tháo vát, đến làm giàu ở Mỹ; Người bán sữa Mc Niel khá giả do được lĩnh món tiền bảo hiểm sau một tai nạn, cô vợ đẹp của anh trở thành người tình của luật sư biện hộ anh…
Bộ tiểu thuyết Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhân lên gấp bội những thủ thuật, bắt chước điện ảnh, tản văn và hội họa đã sử dụng trong Chuyến tàu ở Manhattan, lôi cuốn sự chú ý của các nhà văn hơn là các độc giả châu Âu sau Thế chiến II.
Bộ ba tác phẩm là một bức họa hoành tráng về xã hội Mỹ từ 1900 đến 1930, từ trước Thế chiến I đến những năm đầu cuộc Đại khủng hoảng kinh tế ở Mỹ. Sắc thái tác phẩm chua chát, những nhân vật toàn là bọn cơ hội; những anh hùng chỉ có một số trong những người cấp tiến đã bảo vệ nhân phẩm.
Bộ tiểu thuyết có ba tập, mỗi tập có một loạt truyện mang tên các nhân vật, các truyện chồng chéo nhau, bị cắt bởi những bài ngắn thuộc ba loại: thời sự (đầu bài báo, bài hát, quảng cáo… gợi lại không khí một thời); tiểu sử một số nhân vật có thật như chính khách, nhà doanh nghiệp, văn nghệ sĩ…; ống kính (nét ghi ấn tượng), làm nổi bật mâu thuẫn giữa nước Mỹ chính thức và thực tế.
Tập I là Vĩ tuyến 42. Câu chuyện diễn ra trước Thế chiến I với năm nhân vật chính: Mac, công nhân in lang thang khắp nước, đấu tranh trong phong trào cực tả; J. Moorehouse, nhà báo thành công do tháo vát và theo công thức; cô thư ký Janey của y, có đi lại với y; nhân tình của y là Eleanor, một phụ nữ lịch sự làm doanh nghiệp; anh chàng thợ máy Charley trở thành anh hùng trong chiến tranh, một phi công.
Tập II là 1919 giới thiệu những năm Thế chiến I, đưa thêm một số nhân vật mới ngoài những nhân vật tập I. Phần lớn sự việc xảy ra ở châu Âu. Một người em trai của Janey đào ngũ thủy quân và chết trong một cuộc ẩu đả đúng đêm đình chiến. Dick, một người phản đối chiến tranh, lái xe cứu thương ở Pháp và Italy. Ở Paris, Moorehouse chỉ huy Hội Chữ thập đỏ Mỹ. Ở Mỹ, một thanh niên cách mạng Do Thái phát hiện ra tính tàn ác của giới chủ Mỹ.
Tập III Đại tài chính miêu tả tình trạng thối nát của những năm 1920 cho đến vụ phá sản thị trường chứng khoán dẫn đến Đại khủng hoảng kinh tế, tấn bi kịch cá nhân và sự thất bại của nhiều nhân vật chính.
Qua hơn chục nhân vật, Dos Passos cho ta gặp hàng trăm người Mỹ và tìm hiểu khắp nước Mỹ. Tác phẩm gợi cảm giác ở chế độ tư bản, cá nhân con người không có cuộc sống mà chỉ có số mệnh. Ông muốn gây ý thức nổi dậy cưỡng lại số mệnh.
Nguồn:https://baoquocte.vn/dao-choi-vuon-van-my-ky-15-279292.html