Nguồn cung khí đốt qua đường ống của Tập đoàn Gazprom cho một số khách hàng ở châu Âu đạt 14,6 tỷ m³ từ tháng 1 đến tháng 6/2024. (Nguồn: RIA Novosti) |
Sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Nga đã phải đối mặt với nhiều đợt trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Moscow vẫn cung cấp khối lượng khí đốt đáng kể cho một số nước châu Âu – và con số này thực tế đã tăng lên trong năm nay.
Ngược lại, dù tuyên bố sẽ đẩy mạnh dòng chảy khí đốt sang Trung Quốc, nhưng đến thời điểm hiện tại, Nga và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thực hiện bất kỳ thỏa thuận mới nào.
Theo tính toán của hãng tin Mỹ Bloomberg, nguồn cung khí đốt qua đường ống của Tập đoàn Gazprom (Nga) cho một số khách hàng ở châu Âu đạt 14,6 tỷ m³ từ tháng 1 đến tháng 6/2024.
Con số trên thấp hơn nhiều so với 130 tỷ m³ đến 175 tỷ m³ khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu hằng năm trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, Moscow cũng chỉ xuất khẩu được 15,2 tỷ m³ khí đốt đến Trung Quốc.
Hãng tin Mỹ đánh giá, từ đầu năm đến nay, châu Âu và Trung Quốc thay phiên nhau trở thành khách hàng lớn nhất mua khí đốt qua đường ống của Nga.
Trong nhiều năm qua, Moscow đã tuyên bố có kế hoạch mở rộng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, nhưng trong tương lai gần, thị trường của Gazprom ở quốc gia Đông Bắc Á này sẽ không thể đạt được quy mô như thị trường châu Âu thời điểm trước tháng 2/2022.
Trong khi đó, giá khí đốt xuất sang nền kinh tế số 1 châu Á cũng thấp hơn nhiều so với khu vực châu Âu.
Nguồn cung khí đốt của Gazprom cho Trung Quốc qua đường ống Sức mạnh Siberia (Power of Siberia) dự kiến đạt công suất tối đa hằng năm là 38 tỷ m³ vào năm 2025, cộng thêm 10 tỷ m³ mỗi năm qua tuyến đường Viễn Đông từ năm 2027.
Bắc Kinh và Moscow còn có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia 2 qua Mông Cổ nhưng dự án đến nay đang bị chậm trễ.