Nga đang đàm phán về khả năng xây dựng một nhà máy lọc dầu ở Cuba. (Nguồn: RT) |
Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu gia tăng khả năng “hạ cánh mềm”
Theo dự thảo thông cáo báo chí của Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo lĩnh vực này có thể vui mừng trước khả năng “hạ cánh mềm” gia tăng của kinh tế toàn cầu, trong khi cảnh báo rủi ro từ các cuộc xung đột leo thang.
Phát biểu với báo giới, điều phối viên theo dõi tài chính tại G20 của Brazil Tatiana Rosito cho hay, các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng tin tưởng các nhà lãnh đạo sẽ đạt đồng thuận về một tuyên bố chung, phản ánh những công việc đã hoàn tất cho đến nay.
Các nhà lãnh đạo vui mừng trước khả năng “hạ cánh mềm” gia tăng của kinh tế toàn cầu dù còn nhiều thách thức, khi lạm phát được kiểm soát mà không gây suy thoái nghiêm trọng hay làm gia tăng mạnh tình trạng thất nghiệp.
Theo dự thảo, hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới vững hơn dự kiến, nhưng đà phục hồi không đồng đều giữa các nước, góp phần gây rủi ro phân kỳ kinh tế.
Mỹ
* Theo số liệu đo lường do S&P Global công bố ngày 24/7, hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 7/2024 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm, nhưng các doanh nghiệp dường như gặp khó khăn trong việc duy trì mức giá cao cho hàng hóa và dịch vụ, trong bối cảnh người tiêu dùng phản đối vì lo ngại lạm phát gia tăng.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng 0,2 điểm, lên mức 55,0 trong tháng 7/2024, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, sau khi đạt mức 54,8 vào tháng 6/2024.
* Ngày 23/7, Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT) đã mở một cuộc điều tra đối với Delta Air Lines sau khi hàng loạt chuyến bay của hãng này bị hủy hoặc chậm trễ những ngày gần đây.
Cùng ngày, trên nền tảng xã hội X, Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg cũng cho biết, DOT đã mở một cuộc điều tra đối với Delta Air Lines để đảm bảo hãng hàng không này tuân thủ luật pháp và chăm sóc hành khách trong thời gian các chuyến bay bị gián đoạn liên tục trên diện rộng.
Thông tin trên trang web theo dõi các chuyến bay FlightAware, ngày 22/7, Delta Air Lines đã hủy hoặc trì hoãn hơn 2.900 chuyến.
Trung Quốc
* Các công ty châu Âu từ các thương hiệu xa xỉ đến các nhà sản xuất ô tô, đang chịu ảnh hưởng từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, và các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tại “gã khổng lồ” kinh tế châu Á này đang gặp nhiều rắc rối hơn.
Hugo Boss AG, Burberry Group Plc và Daimler Truck Holding AG là những tên tuổi nổi tiếng nằm trong số những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do sự thận trọng ngày càng tăng của khách hàng Trung Quốc. Tập đoàn xa xỉ phẩm LVMH cũng đã tham gia vào danh sách này khi báo cáo doanh số bán hàng tại châu Á, trong đó có Trung Quốc giảm 14% trong quý II/2024. Giá cổ phiếu của LVMH đã giảm 5% vào đầu phiên 24/7 tại Paris, và giảm 23% trong 12 tháng qua.
* Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 22/7 cho biết, trong nửa đầu năm 2024, lượng xe du lịch của nước này xuất khẩu sang Nga đã tăng 35,4% về giá trị, đạt mức 6,2 tỷ USD.
Trong quý đầu tiên, lượng ô tô du lịch Trung Quốc xuất khẩu sang Nga đạt giá trị 2,3 tỷ USD (tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước) và trong quý II đạt mức 3,9 tỷ USD (tăng 38,4%). Trong tháng 6, khối lượng ô tô Trung Quốc xuất khẩu sang Nga đạt kim ngạch 1,36 tỷ USD, tăng 2% so với tháng 5 và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2023, khi con số này ở mức 1,38 tỷ USD.
Xuất khẩu ô tô du lịch từ Trung Quốc sang Nga đang tăng tháng thứ 4 liên tiếp.
Châu Âu
* Ủy ban châu Âu (EC) đã chấp thuận yêu cầu của các nhà sản xuất dầu sinh học châu lục này về việc áp thuế đối với biodiesel Trung Quốc do lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh. Hiệp hội Biodiesel châu Âu (EBB), đã nộp đơn khiếu nại vào tháng 10/2023, dẫn đến cuộc điều tra của EC vào tháng 12/2023.
Kết thúc cuộc điều tra sơ bộ, hôm 19/7, EC đã quyết định áp thuế tạm thời đối với dầu sinh học Trung Quốc. Trong vòng bốn tuần tới, mức thuế từ 12,8% đến 36,4% sẽ được áp dụng cho biodiesel nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc điều tra của EC sẽ tiếp tục cho đến tháng 2/2025, khi có thể áp dụng thuế mới trong thời gian 5 năm.
* Ngày 22/7, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Babakov Alexander Mikhailovich cho biết, nước này đang đàm phán với Cuba về khả năng xây dựng một nhà máy lọc dầu ở đảo quốc Caribe này.
Ông Mikhailovich chỉ rõ, Cuba có dầu thô nhưng lại vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ và chưa thể sản xuất tại chỗ, đồng thời đề xuất thu hút các doanh nghiệp lớn ở Nga tham gia vào dự án này.
Bước tiếp theo của dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Cuba có thể là nhà máy sản xuất phân bón. Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm của Cuba.
* Mặc dù nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, nhưng doanh thu thuế của chính phủ Đức trong nửa đầu năm nay đã tăng đáng kể. Đây được coi là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Trong nửa đầu năm 2024, nguồn thu từ thuế của chính phủ Đức đạt 176,5 tỷ Euro (khoảng 192 tỷ USD), tăng 7,8 tỷ Euro (tương đương 4,6%) so với nửa đầu năm 2023. Ngoài ra, còn có khoảng 20 tỷ Euro thu nhập khác như thu nhập từ các khoản lãi, phí cầu đường, các khoản thanh toán và thu nhập từ việc bán các khoản đầu tư. Đồng thời, khoản chi tiêu liên bang cũng giảm khoảng 4%, chủ yếu do lãi suất thấp hơn.
* Ukraine đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ tư nhân nước ngoài để cơ cấu lại khoản nợ quốc tế hơn 20 tỷ USD, giúp nước này tránh được tình trạng vỡ nợ vào tháng 8.
Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal và Bộ Tài chính nước này cho biết đã đạt được các thỏa thuận cơ bản với Ủy ban những người nắm giữ trái phiếu châu Âu (Eurobond) của Ukraine, gồm Amundi, BlackRock, Amia Capital, cũng như các nhà đầu tư khác, những người cùng nắm giữ khoảng 25% lượng trái phiếu. Ít nhất 2/3 trong số họ sẽ phải thông qua thỏa thuận để hoàn tất thương vụ cơ cấu lại nợ.
Thỏa thuận quy định rằng trái phiếu châu Âu hiện tại sẽ được đổi lấy một gói trái phiếu châu Âu mới với giá trị nợ danh nghĩa giảm 37%. Ủy ban từ bỏ yêu cầu đòi bồi thường số tiền 8,67 tỷ USD. Ngày đáo hạn của trái phiếu châu Âu sẽ được gia hạn: đợt hoàn trả đầu tiên với số tiền 1,172 tỷ USD sẽ diễn ra năm 2029.
* Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Italy, Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho biết nước này không có kế hoạch tuân theo biện pháp áp thuế của EU đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ngành công nghiệp ô tô Anh vẫn chưa chính thức yêu cầu Cơ quan phòng vệ thương mại tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu xe điện của Trung Quốc, đây là bước cần thiết trước khi bắt đầu một cuộc điều tra như vậy.
Tuy nhiên, ông Reynolds cũng đề cập rằng không loại trừ khả năng áp thuế đối với xe điện Trung Quốc, miễn là quyết định này có lợi cho lĩnh vực xuất khẩu ô tô của xứ sở sương mù.
Nhật Bản và Hàn Quốc
* S&P Global ngày 24/7 cho biết, Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của au Jibun Bank cho lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đã tăng từ mức 49,4 vào tháng Sáu lên 53,9 trong tháng 7, mức cao nhất trong ba tháng qua. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy nhu cầu nội địa có thể đủ mạnh để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát.
Tuy nhiên, chỉ số PMI cho lĩnh vực chế tạo lại cho thấy sự thu hẹp từ mức 50 trong tháng 6 xuống 49,2 trong tháng 7.
Những con số tương phản này cho thấy hoạt động không đồng đều của nền kinh tế, trong bối cảnh Nhật Bản đang vật lộn để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vững chắc, sau khi ghi nhận 5 quý tăng trưởng âm trong 11 quý gần đây.
* Số liệu hải quan được công bố ngày 22/7 cho thấy, xuất khẩu của Hàn Quốc ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số trong 20 ngày đầu tháng 7 này, nhờ nhu cầu mạnh đối với sản phẩm chất bán dẫn sản xuất trong nước. Cụ thể, xuất khẩu tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 37,17 tỷ USD trong giai đoạn từ ngày 1-20/7. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 14,2% lên 37,22 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại lên tới 50 triệu USD.
* Chính phủ Hàn Quốc ngày 22/7 đã công bố thành lập “Liên minh sản xuất tự động ứng dụng AI”. Đây là liên minh công-tư với mục tiêu phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI) đến tận cơ sở sản xuất.
Thông qua kế hoạch phát triển nhà máy vận hành bằng AI, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất ứng dụng sản xuất tự động AI lên hơn 40% vào năm 2030 và tăng năng suất lên hơn 20%.
* Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng và Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc, ngày 21/7, nước này đã công bố mức thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ là 28,7 tỷ USD từ tháng 1 – 6/2024, tăng 55,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thặng dư thương mại của Mỹ đã vượt quá tổng thặng dư thương mại của Hàn Quốc là 23,1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024.
Cán cân thương mại của Hàn Quốc với Mỹ luôn có lãi và tăng lên trong những năm gần đây, ghi nhận thặng dư thương mại năm 2019 là 11,4 tỷ USD, năm 2020 là 16,6 tỷ USD, năm 2021 là 22,7 tỷ USD, năm 2022 là 28 tỷ USD và năm 2023 là 44,4 tỷ USD. Mỹ trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc vào năm 2023, vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên sau khoảng 20 năm.
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Hãng tin Reuters ngày 22/7 dẫn các nguồn tin cho biết công ty dầu khí nhà nước Indonesia, Pertamina, đã đưa dầu của Nga vào danh sách đấu thầu trong tháng 9. Reuters lưu ý rằng, Pertamina đã không mua dầu từ Nga trong một thời gian dài nhưng đã thay đổi quan điểm năm 2022.
Công ty Indonesia dự định mua dầu Urals của Nga giao hàng ngày 15-17/9 và dầu Sokol giao hàng ngày 18-20/9. Lần cuối cùng Pertamina mua dầu Sokol đã hơn 10 năm trước.
* Malaysia đang hướng tới nâng cao vị thế trong giao dịch khí đốt tự nhiên trên toàn cầu trong bối cảnh Công ty dầu khí quốc gia Petroliam Nasional Bhd (Petronas) mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Theo đơn vị nghiên cứu BMI của Fitch Solutions, hầu hết các khoản đầu tư theo hình thức mua cổ phần của Petronas vào các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) ở nước ngoài đều tập trung vào danh mục đầu tư toàn cầu.
Malaysia là nước xuất khẩu LNG lớn nhất châu Á, với 26,75 triệu tấn vào năm 2023, chiếm khoảng 7% tổng lượng LNG được giao dịch trên toàn cầu.
* Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác, như Malaysia, Việt Nam và Indonesia, cũng như từ trái cây sầu riêng trồng tại Trung Quốc.
Chính phủ Indonesia dự kiến tăng xuất khẩu sầu riêng từ tỉnh Trung Sulawesi sang Trung Quốc. Tỉnh trưởng tỉnh Trung Sulawesi, Rusdy Mastura, cho biết địa phương này có thể dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, với khoảng 30.000 ha đồn điền sầu riêng với hơn 3 triệu cây trên 12 huyện.
Tỉnh Trung Sulawesi có đủ cơ sở cảng và trang bị tốt để xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc, với thời gian di chuyển ước tính 7-9 ngày.
* Để thúc đẩy trung hòa carbon trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, Singapore đã triển khai một chương trình trị giá 90 triệu USD nhằm tiếp tục nghiên cứu quốc gia về các lĩnh vực như sử dụng hydro, sản xuất hóa chất và nhiên liệu xanh hơn, giống như nhiên liệu hàng không bền vững. Chương trình này của Quỹ nghiên cứu quốc gia (NRF) bao gồm 9 dự án, mỗi dự án có thời hạn từ 3-5 năm.