Tuesday, October 8, 2024
#
HomeKinh tếBất động sản mới nhất Tâm lý chờ đợi sắp được tháo...

Bất động sản mới nhất Tâm lý chờ đợi sắp được tháo bỏ căn hộ phía Tây Hà Nội chiếm sóng giá đất TP HCM tăng bao nhiêu sau điều chỉnh


Thị trường tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững với kết quả tốt dần lên; số lượng căn hộ Hà Nội bán ra tăng hơn 200%, bảng giá đất điều chỉnh TP.HCM chỉ bằng khoảng 70% giá thị trường… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Bất động sản mới nhất. (Ảnh: Linh An)
Đến cuối năm 2024, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản Việt Nam sẽ có tiến triển rõ nét. (Ảnh: Linh An)

Thị trường đang phục hồi bền vững

Theo batdongsan.com.vn, bà Phạm Thị Miền, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam (Hội Môi giới BĐS Việt Nam), thị trường BĐS Việt Nam đang phục hồi bền vững.

Theo bà Miền, trên nền tảng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực, trong khoảng thời gian chờ các bộ Luật mới “ngấm”, thị trường BĐS Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi bền vững với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam sẽ có tiến triển rõ nét.

Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam (Hội Môi giới BĐS Việt Nam) nhấn mạnh, trên nền tảng tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản đề ra, tín dụng thoát cảnh “đìu hiu”, mặt bằng lãi suất vay vẫn thấp, giải ngân đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy; Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó, sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường BĐS.

Khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý “chờ đợi” sẽ được tháo bỏ. Các doanh nghiệp phát triển dự án bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước. Các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng. Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin, thúc đẩy dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng chảy vào BĐS. Môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới tích cực nâng cao năng lực, tuyển quân, bồi dưỡng kiến thức, đáp ứng các quy định mới,…

Cũng theo bà Miền, trong khoảng thời gian chờ các bộ Luật mới “ngấm”, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường BĐS Việt Nam sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.

Bảng giá đất TP.HCM điều chỉnh chỉ bằng khoảng 70% giá thị trường

Chiều 29/7, tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra buổi họp báo cung cấp thông tin về điều chỉnh Bảng giá đất theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024.

Theo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh có tăng so với bảng giá đất tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND Thành phố khoảng 7 lần. Tuy nhiên, Bảng giá đất theo Quyết định 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất là 3,5 lần. Do vậy, thực tế Bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần, theo đó, giá đất theo Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh chỉ tương ứng bằng 70% mặt bằng giá thị trường.

Ví dụ, giá đất tại đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, quận 1 theo Quyết định 02/QĐ-UBND là 162 triệu đồng/m2 (bằng mức tối đa của khung giá đất theo Luật Đất đai năm 2013). Năm 2021, UBND Thành phố phê duyệt giá đất cụ thể (giá thị trường) cho căn nhà thuộc tầng trệt là 680 triệu/m2, nếu tính theo cách nội suy thì giá đất tại khu vực này tương ứng với 970 triệu/m2. Nay, Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh cho tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ có giá 810 triệu/m2 là phù hợp với mặt bằng chung của khu vực.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, qua đánh giá sơ bộ thì nhóm có ảnh hưởng nhiều là đối tượng chuyển mục đích sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Đất đai năm 2013 với Luật Đất đai năm 2024: Các trường hợp sử dụng đất ổn định trước ngày 15/10/1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất; trường hợp diện tích vượt hạn mức thì thu theo Bảng giá đất năm 2005. Các trường hợp sử dụng đất còn lại thì xét theo nguồn gốc và các mốc thời điểm sử dụng đất để có tỷ lệ thu thích hợp.

Theo dự thảo Nghị định thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do Chính phủ sắp ban hành thì tỷ lệ thu xét theo mốc thời điểm từ 10% đến 50% Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh. Ngoài ra, người sử dụng đất thuộc diện gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo sẽ miễn giảm tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.

“Như vậy, Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh thực chất đang đưa giá đất theo quy định từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của thị trường, góp phần tích cực cho sự công bằng, minh bạch cho các nhóm sử dụng đất và tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước. Việc sử dụng đất vì thế sẽ tiết kiệm hơn. Sắp tới, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh các mức thu (tỷ lệ %) cho phù hợp với tình hình thực tiễn, hạn chế việc tăng đột biến các khoản thu”, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Thị trường căn hộ Hà Nội có tín hiệu tích cực về nguồn cung – cầu

Báo cáo thị trường BĐS Hà Nội quý II/2024 vừa phát hành của Cushman & Wakefield cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường căn hộ Hà Nội đã có tín hiệu tích cực cả về nguồn cung và nguồn cầu. Khoảng 10.800 căn hộ mới đã được mở bán, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý II/2024, khoảng 7.600 căn hộ đã được mở bán, đánh dấu mức tăng 140% theo quý và tăng 155% theo năm. Sự thay đổi đáng kể này chủ yếu do sự ra mắt của các dự án căn hộ mới trong các khu đô thị tích hợp, như: Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City. Khu vực phía Tây chiếm khoảng 59% nguồn cung căn hộ mới trong 6 tháng đầu năm 2024, và các dự án trung cấp tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường, chiếm khoảng 90% nguồn cung mới.

Khoảng 10.900 căn hộ đã được bán trong nửa đầu năm 2024, tăng 216% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, lượng bán mới căn hộ tại Hà Nội đạt khoảng 7.400 căn, tăng 110% so với quý trước và tăng 147% so với cùng kỳ năm trước. Giá sơ cấp trung bình đạt gần 2.640 USD/m2, tăng 11% theo quý và tăng 30% theo năm.

Theo các chuyên gia của Cushman & Wakefield, sự tăng trưởng trong lượng bán mới trong nửa năm đầu 2024 là do sự khan hiếm nguồn cung mới những năm gần đây. Các dự án mới mở bán với tình trạng pháp lý minh bạch, chủ đầu tư uy tín, chính sách bán hàng hấp dẫn và tiện ích tất cả trong một đã ghi nhận hiệu suất bán hàng khả quan. Hầu hết các dự án này đến từ các khu vực đô thị tích hợp lớn ở phía Tây.

Nguồn cầu căn hộ Hà Nội tăng được thúc đẩy bởi nhu cầu nhà ở ngày càng cao đi cùng với tốc độ tăng dân số và nhập cư của thành phố. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư dần quay trở lại với kênh BĐS trong bối cảnh kinh tế không ổn định.

Giá căn hộ sơ cấp tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm. Sự tăng giá này cũng được thúc đẩy bởi nguồn cung trung cấp và cao cấp chiếm 98% nguồn cung mới, trong khi nguồn cung căn hộ bình dân vẫn còn thiếu hụt.

Tại thị trường căn hộ Hà Nội, trong nửa cuối năm 2024, thị trường BĐS dự kiến sẽ chào đón khoảng 9.500 căn hộ mới. Phần lớn nguồn cung này sẽ tập trung ở khu vực phía Tây, hưởng lợi từ vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng đã được thiết lập. Ngoài ra, trong nửa cuối năm 2024, nguồn cung dự báo tiếp tục tập trung ở các khu đô thị tích hợp như: Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City.

Từ năm 2025, các quận/huyện ngoại thành, bao gồm Đông Anh, Gia Lâm, Hà Đông, Hoài Đức, Hoàng Mai, Long Biên và Thanh Trì, được dự đoán sẽ chiếm ưu thế về nguồn cung căn hộ trong tương lai nhờ vào sự phát triển cơ sở hạ tầng và các sáng kiến quy hoạch đô thị của Chính phủ. Đáng chú ý, các huyện Đông Anh và Gia Lâm dự kiến sẽ trở thành quận vào năm 2025, đóng góp vào nguồn cung dự kiến từ các khu đô thị tích hợp lớn như: Vinhomes Cổ Loa, Vinhomes Ocean Park và BRG Smart City.

Bất động sản. Nhà ở xã hội. (Ảnh: Kế Toại)
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường căn hộ Hà Nội đã có tín hiệu tích cực cả về nguồn cung và nguồn cầu. (Ảnh: Kế Toại)

Những trường hợp phải di dời khẩn cấp khỏi nhà chung cư từ 1/8

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở sửa đổi về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có hiệu lực từ ngày 1/8.

Theo Nghị định, có 5 trường hợp phải di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư. Trong đó, 2 trường hợp nhà chung cư phải di dời khẩn cấp và 3 trường hợp nhà chung cư cũng phải di dời theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Cụ thể, 2 trường hợp nhà chung cư phải di dời khẩn cấp là bị hư hỏng do cháy, nổ hoặc do thiên tai, địch họa không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng.

Với trường hợp này, cơ quan quản lý cấp tỉnh cần trình UBND tỉnh ban hành quyết định di dời khẩn cấp trong 3 ngày kể từ thời điểm có kết luận về việc chung cư không đủ điều kiện tiếp tục sử dụng.

Trong đó, quyết định cần nêu rõ địa điểm nhà chung cư phải di dời khẩn cấp, nơi bố trí chỗ ở tạm thời, phương thức, kinh phí thời hạn di dời và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan. Nếu chủ sở hữu nhà chung cư không di dời, cơ quản quản lý sẽ cưỡng chế trong tối đa 7 ngày làm việc từ khi có quyết định cưỡng chế.

3 trường hợp nhà chung cư cũng phải di dời theo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Thứ nhất, nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không đáp ứng điều kiện tiếp tục sử dụng.

Thứ hai, nhà chung cư bị hư hỏng nặng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, cấp thoát nước, xử lý nước thải, điện, giao thông nội bộ không đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành khai thác. Các công trình này cần phá dỡ để đảm bảo an cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Cuối cùng là nhà chung cư bị hỏng một trong các kết cấu công trình gồm: móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường. Các công trình này không thuộc hai trường hợp phải phá dỡ như nêu ở trên, nhưng thuộc diện phải cải tạo, xây dựng đồng bộ theo quy hoạch đã được duyệt.

Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư sẽ được bố trí chỗ ở tạm thời theo nhiều hình thức như tại quỹ nhà ở tái định cư có sẵn; quỹ nhà ở thuộc tài sản công trên địa bàn; mua nhà ở thương mại hoặc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương hoặc nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển, quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có). Ngoài ra, chủ sở hữu cũng có thể được thanh toán tiền để tự lo chỗ ở.



Nguồn:https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-tam-ly-cho-doi-sap-duoc-thao-bo-can-ho-phia-tay-ha-noi-chiem-song-gia-dat-tphcm-tang-bao-nhieu-sau-dieu-chinh-280646.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem