Thursday, October 10, 2024
#
HomeVăn hóaPhát huy giá trị di sản để Cố đô Huế thành điểm...

Phát huy giá trị di sản để Cố đô Huế thành điểm đến hấp dẫn


Huế là vùng đất được mệnh danh là xứ sở của di sản, nơi lưu giữ và bảo tồn tốt nhất văn hóa và nghi lễ truyền thống Việt Nam, là điểm đến không thể bỏ qua đối với bất cứ ai muốn khám phá về cội nguồn dân tộc.

Trong lịch sử, Huế từng là trung tâm văn hóa – chính trị của của xứ đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn (1558 – 1777), vào thời Tây Sơn (1778 – 1802). Giai đoạn tiếp theo, Huế là Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất (1802 -1945), không chỉ giữ vị thế là trung tâm chính trị mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo của Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Sự kế thừa những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa kết hợp với tinh hoa văn hóa các triều đại quân chủ trong lịch sử và những giá trị mới được hình thành vào thời Nguyễn đã làm kết tinh trong lòng Cố đô Huế một phức hệ di sản văn hóa, lịch sử khổng lồ và hết sức đa dạng bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể cùng di sản tư liệu đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh.

Phát huy giá trị di sản để Cố đô Huế thành điểm đến hấp dẫn
Kiến trúc Cung đình Huế. (Nguồn: Báo Du lịch)

Miền đất của những di sản

Cho đến nay, Huế đang sở hữu nhiều di sản thuộc các loại hình khác nhau được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích Cố đô Huế (11/12/1993 – Di sản văn hóa thế giới); Nhã nhạc, Âm nhạc cung đình Việt Nam (7/11/2023 – Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại; 4/11/2008 – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại) và các Di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (31/7/2009), Châu bản triều Nguyễn (30/10/2017); trước đó 14/5/2014 – Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (19/5/2016 – Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương) và Những bản đúc nổi trên Chín Đỉnh Đồng ở Hoàng Cung Huế (8/5/2024) – Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều đáng nói là các di sản này đều thuộc về triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam.

Phát huy giá trị di sản để Cố đô Huế thành điểm đến hấp dẫn
Cho đến nay, Huế đang sở hữu nhiều di sản thuộc các loại hình khác nhau được UNESCO vinh danh. (Ảnh: Minh Châu)

Trong phức hệ đó, Quần thể Di tích Cố đô Huế là một điển hình về quy hoạch và xây dựng, là hệ kiến trúc cung đình đa dạng, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, phố thị, vườn cảnh… phản ánh một cách toàn diện một kinh đô phương đông trong thời kỳ phát triển rực rỡ nhất.

Dẫu trải qua sự tàn phá của chiến tranh, của thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, quần thể kiến trúc ấy vẫn còn khá nguyên vẹn và đang được bảo tồn, gìn giữ rất tốt nhờ nỗ lực của cả cộng đồng nhân dân Việt Nam, cùng sự chung sức của bè bạn năm châu.

Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam cũng là một di sản độc đáo mà Huế còn giữ được. Tuy nhiên, cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, di sản này đã thực sự ở trong tình trạng lâm nguy do đội ngũ nghệ nhân gạo cội ngày càng vắng bóng và do thiếu môi trường diễn xướng.

Phát huy giá trị di sản để Cố đô Huế thành điểm đến hấp dẫn
Nhã nhạc – Âm nhạc Cung đình Huế. (Ảnh: Minh Châu)

Những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ những người làm công tác bảo tồn ở Cố đô Huế, tình yêu nghề và lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân cùng sự hỗ trợ tích cực của UNESCO đã làm sống lại Nhã nhạc. Nghệ thuật diễn xướng bác học và cao quý này không chỉ được phục hồi, trình diễn đúng tại nơi nó sinh ra mà còn được quảng bá rộng rãi tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, và là một trong những bộ môn nghệ thuật chủ đạo của tỉnh trong các kỳ Festival Huế.

Là kinh đô của một vương triều đặc biệt đề cao học vấn và tri thức nên Huế cũng là nơi hội tụ của những kho tàng tư liệu khổng lồ. Dưới triều Nguyễn số lượng các công trình biên soạn, in ấn còn nhiều hơn của tất cả các triều đại trước đó cộng lại.

Mộc bản triều Nguyễn (bản khắc gỗ để in ấn các tác phẩm của triều đại), Châu bản triều Nguyễn (1802-1945) – các văn bản của triều đình đã được nhà vua xem qua và phê lên bằng mực son, hay thơ văn được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men trên hệ thống kiến trúc cung đình tại Huế đều là những sưu tập tư liệu lớn và mang những giá trị đặc biệt.

Phát huy giá trị di sản để Cố đô Huế thành điểm đến hấp dẫn

Thơ văn trên kiến trúc cung đình. (Ảnh: Minh Châu)

Qua những biến động thăng trầm của lịch sử, Mộc bản triều Nguyễn với số lượng hơn 34.600 tấm hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại Trung tâm lưu trữ IV (Đà Lạt); Châu bản với số lượng hàng chục vạn tờ thì bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội). Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (1802-1945) và Những bản đúc nổi trên Chín Đỉnh Đồng ở Hoàng Cung Huế là phần còn lại tại Huế dưới dạng “di sản nằm trong di sản”.

Các di sản trên đều được đặc biệt quan tâm bảo tồn và khai thác phát huy giá trị. Trong thời gian gần đây, Châu bản, và Mộc bản triều Nguyễn đã và đang “trở về” với Huế một cách đầy ấn tượng qua các cuộc triển lãm quy mô tại Hoàng cung với nhiều chủ đề khác nhau, tạo cơ hội cho đông đảo du khách và cộng đồng nhân dân địa phương hiểu thêm về những giá trị di sản phong phú, đặc sắc của Cố đô Huế.

Ngoài các di sản trên, vùng đất giàu truyền thống Thừa Thiên Huế cùng với các địa phương khác còn đang lưu giữ bảo tồn 2 Di sản phi vật thể đã được UNESCO vinh danh đó là: Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (1/12/2016) và Nghệ thuật Bài Chòi ở miền Trung Việt Nam (7/12/2007).

Thừa Thiên – Huế luôn khẳng định giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế là nền tảng để phát triển, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội, để Cố đô Huế phát triển nhanh, bền vững từ thế mạnh và đặc trưng riêng có.

Cho đến nay, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Huế được các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước, đặc biệt là UNESCO đánh giá là địa phương đi đầu về bảo tồn di sản, có khả năng xây dựng thành một trung tâm chuẩn mực về chuyển giao công nghệ bảo tồn tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Phát triển thương hiệu Festival Huế bốn mùa

Qua 24 năm tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành tựu nổi bật, từng bước khẳng định vị thế, củng cố thương hiệu Festival mang tầm quốc gia và có tính quốc tế, góp phần tạo động lực kích cầu du lịch, bảo tồn văn hoá và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Festival Huế 2024 tiếp tục là hoạt động văn hoá đặc sắc, hấp dẫn bởi tính truyền thống, ấn tượng và nhân văn khi đưa người dân và du khách trở thành chủ thể sáng tạo lẫn chủ thể hưởng thụ.

Tại đây, không chỉ có các chương trình nghệ thuật mang tính tiêu biểu, đại diện dấu ấn của nhiều nền văn hóa trong nước và quốc tế để du khách cùng tham gia, mà còn có các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian… được dày công tái tạo, giữ gìn hay các lễ hội mới phù hợp xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng.

Festival Huế góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội, để Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch, đóng góp vào việc thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2050, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Phát huy giá trị di sản để Cố đô Huế thành điểm đến hấp dẫn
Một lễ hội đường phố trong khuôn khổ Festival Huế. (Ảnh: Minh Châu)

Nối tiếp thành công của những mùa Festival trước, Festival Huế 2024 sẽ tiếp tục khai thác các chuỗi lễ hội trải dài trong năm, từng bước xây dựng hệ thống chương trình lễ hội mới. Mục tiêu của thương hiệu Festival Huế bốn mùa là nhằm kích cầu, tăng khả năng phát triển kinh tế du lịch, lễ hội vì thế có những nét tươi mới đáp ứng được những thay đổi về nhu cầu, xu hướng mới của công chúng và khách du lịch.

Lễ hội mùa Xuân – Xuân Cố đô (Tháng 1 – 3) nổi bật là các hoạt động Tết cung đình, không gian văn hóa Tết truyền thống và các lễ hội dân gian vô cùng phong phú, độc đáo, thu hút sự hưởng ứng, tham gia của du khách.

Lễ hội mùa Hạ – Kinh thành tỏa sáng (Tháng 4 – 6) với điểm nhấn Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 góp phần giới thiệu, quảng bá hướng đến xây dựng Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Lễ hội mùa Thu – Huế vào Thu (tháng 7 – 9) trọng tâm là Chương trình Tết Trung thu với Hội đèn lồng Huế 2024, kết hợp hoạt động Quảng diễn Lân – Sư – Rồng đường phố, trưng bày, sắp đặt, rước đèn, trải nghiệm tết Trung thu truyền thống, giới thiệu những nét đẹp trong văn hóa chơi Trung Thu của người Việt.

Lễ hội mùa Đông – Mùa Đông xứ Huế (tháng 10 – 12) điểm nhấn là Tuần lễ Âm nhạc Huế 2024 và kết thúc bằng Chương trình Countdown tạm biệt Festival Huế 2024 – chào đón năm mới 2025.

Vừa qua, Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 (từ 7/6 – 12/6) với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” quy tụ gần 30 đoàn nghệ thuật đến từ Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam đã đem đến cho khán giả hàng chục chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc của nhiều vùng văn hóa các nước trên thế giới.

Hơn 565 nghệ sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế, cùng đông đảo lực lượng nghệ sĩ, diễn viên quần chúng, học sinh, sinh viên… Tất cả đã cùng tham gia phô diễn nét độc đáo, sự tinh tế và đa dạng các loại hình nghệ thuật, cùng cháy hết mình trên sân khấu để đem đến cho khán giả bữa tiệc nghệ thuật đong đầy bản sắc văn hóa, thể hiện ước vọng về một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc.

Các chương trình nghệ thuật hòa quyện trong không gian cổ kính của một Cố đô văn hiến với 8 di sản được UNESCO vinh danh. Với 12 chương trình chính, 24 buổi biểu diễn nghệ thuật tại các sân khấu và gần 10 hoạt động hưởng ứng, đồng hành, trưng bày, triển lãm diễn ra liên tục trên địa bàn tỉnh, các hoạt động trong Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế đã thu hút rất đông khán giả tham dự, thưởng thức. Huế – Thành phố Festival của Việt Nam vẫn đang ngày một rạng ngời sức sống đô thị xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.



Nguồn:https://baoquocte.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-de-co-do-hue-thanh-diem-den-hap-dan-280665.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem