Nusantara, khởi công xây dựng vào tháng 6/2022, là dự án trọng điểm của Indonesia nhằm giải quyết các vấn đề bất cập của Jakarta, bao gồm tắc nghẽn giao thông và sụt lún đất. (Nguồn: CNBC Indonesia) |
Trả lời phóng viên tại Dinh thự Tổng thống mới (Dinh thự Garuda), ông Widodo cho biết “Hôm nay, tôi bắt đầu tiếp đón các quan chức tới họp tại văn phòng Tổng thống này”.
Hiện Jakarta đang nỗ lực hoàn thành các dự án hạ tầng cốt lõi tại thủ đô tương lai Nusantara (IKN), nằm tại tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo, trước Ngày Độc lập (17/8).
Tổng thống Indonesia nhấn mạnh, để hỗ trợ việc chuyển địa điểm, chính quyền đang chuẩn bị toàn bộ nội thất cần thiết cho văn phòng Tổng thống, bao gồm bàn, ghế và hệ thống chiếu sáng.
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng hiện đang bị đặt ra nhiều câu hỏi. Hầu hết các tòa nhà của thành phố mới vẫn chưa hoàn thành, trong đó Dinh thự Garuda đã thi công được 88%.
Chi phí dự án IKN ước tính là 33 tỷ USD, trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 20% cho cơ sở hạ tầng cơ bản, còn lại nguồn lực xây dựng dựa chủ yếu vào đầu tư từ khu vực tư nhân.
Nhằm thu hút thêm nguồn lực, đầu tháng này, ông Widodo đã ký bản văn bản cung cấp cho các nhà đầu tư một số quyền nhất định, bao gồm quyền sử dụng đất lên tới 190 năm ở thủ đô mới.
Bộ trưởng Bộ Công trình công cộng và nhà ở Basuki Hadimuljono, người đảm nhiệm vai trò Trưởng ban quản lý IKN, cho biết chính phủ đang nỗ lực cung cấp thêm 40 Megawatt điện cho thành phố và nhà máy điện năng lượng mặt trời cung cấp 10 Megawatt hiện đã xây dựng tại Nusantara.
Hiện có nhiều thắc mắc về thời điểm chính thức di dời thủ đô, vì ông Widodo vẫn chưa ban hành sắc lệnh và Jakarta hiện vẫn là thủ đô quốc gia. Sắc lệnh này có thể sẽ do Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto, người dự kiến nhậm chức ngày 20/10, ký ban hành.
Quá trình xây dựng thủ đô mới bắt đầu vào giữa năm 2022, sau khi ông Widodo thông báo Jakarta sẽ không còn là thủ đô Indonesia, do thành phố này chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm, ùn tắc giao thông và có nguy cơ động đất.