Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính mở ra giai đoạn mới trong hợp tác phát triển, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư… (Nguồn: MPI) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chuyến đi mở ra giai đoạn mới trong hợp tác phát triển, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước.
Hiện nay, kim ngạch thương mại hai nước đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều chưa đạt 15 tỷ USD, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam chưa đạt 1 tỷ USD.
“Tôi cho rằng, chưa khai thác hết các tiềm năng lợi thế của thị trường Ấn Độ và Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2016, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Ấn Độ đã tuyên bố coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược hướng Đông của đất nước. Vì vậy, còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
Về khả năng của doanh nghiệp Ấn Độ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, họ rất mạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp sinh học, dược phẩm, năng lượng, chế biến chế tạo, nông nghiệp.
Nếu nền kinh tế hai nước mà bổ sung cho nhau thì sẽ xây dựng chuỗi giá trị cao, không những phục vụ được cho thị trường Ấn Độ, thị trường Việt Nam mà còn mở rộng tham gia vào thị trường toàn cầu, đây cũng là hướng đi mà hai Thủ tướng gợi mở thông qua chuyến thăm cấp nhà nước lần này.
Về chuyến thăm lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ rất nhiều các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, chuyển đổi số, dược phẩm, năng lượng, dầu khí, du lịch, các lĩnh vực khác…
Trong đó, có sự kiện nổi bật là Diễn đàn doanh nghiệp giữa 2 nước. Trong thời gian ngắn, với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thành công diễn đàn này với sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp, là những doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm tới thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực, phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư có chọn lọc của chúng ta.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ rất nhiều các tập đoàn lớn trong các lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, chuyển đổi số, dược phẩm, năng lượng, dầu khí, du lịch, các lĩnh vực khác… (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hai bên sẽ triển khai tích cực các thoả thuận ký kết, biên bản ghi nhớ (MOU) đã trao cũng như các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Thứ nhất, thương mại hai chiều phấn đầu đến năm 2030 tăng gấp đôi so với hiện tại, đạt xấp xỉ 30 tỷ USD.
Thứ hai, các dự án lớn về dược phẩm có thể triển khai ngay, xây dựng trung tâm sản xuất nghiên cứu về thuốc, cung cấp cho thế giới. “Đây là những dự án rất tiềm năng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.
Thứ ba, với dự án Cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng, xây dựng trung tâm logistics, dầu khí… Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập ngay các tổ công tác để cùng với các doanh nghiệp Ấn Độ trong quá trình tìm hiểu, lập hồ sơ dự án, giúp họ nhanh chóng làm đúng quy định pháp luật Việt Nam nhưng rút ngắn thời gian, sớm triển khai thu hút đầu tư từ Ấn Độ sang Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định: “Tôi hoàn toàn tin tưởng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự chuẩn bị tích cực của chúng ta thì thương mại đầu tư của hai nước sẽ tăng lên mạnh mẽ trong thời gian tới, đồng thời đạt được các định hướng mà hai nhà lãnh đạo của hai nước đã đặt ra tại cuộc gặp lần này”.