Sunday, October 6, 2024
#
HomeKinh tếViệt Nam tăng sức hấp dẫn nhờ EVFTA

Việt Nam tăng sức hấp dẫn nhờ EVFTA


EVFTA đã và đang góp phần củng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư châu Âu, đưa Liên minh châu Âu (EU) lên vị trí thứ sáu trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU (EVFTA). Hiệp định cam kết loại bỏ hoặc giảm thuế quan cho hầu hết hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EU, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Dominik Meichle đã có buổi trò chuyện với báo Thế giới và Việt Nam nhân kỷ niệm bốn năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020-1/8/2024).

Việt Nam tăng sức hấp dẫn nhờ EVFTA
Chủ tịch EuroCham Việt Nam Dominik Meichle. (Ảnh: NVCC)

Ông đánh giá thế nào về kết quả gần bốn năm thực thi EVFTA đối với doanh nghiệp hai bên và nền kinh tế Việt Nam?

EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 tác động đáng kể với Việt Nam. Hiệp định đưa Việt Nam trở thành một trong hai nước ASEAN duy nhất (cùng với Singapore) có FTA với EU, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các nước ASEAN khác vẫn đang đàm phán với châu Âu.

Tác động lớn nhất có thể thấy ở xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tăng từ khoảng 35 tỷ Euro năm 2019 lên hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và thủy sản đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xuất khẩu của EU sang Việt Nam tăng trưởng thấp hơn (chỉ tăng nhẹ từ 11 tỷ Euro lên 11,4 tỷ Euro trong cùng kỳ). Khoảng một phần tư thành viên của EuroCham Việt Nam được hưởng lợi đáng kể hoặc ở mức độ vừa phải từ hiệp định, đặc biệt thông qua việc giảm thuế quan và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường. Rõ ràng, còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường 100 triệu dân.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU đến Việt Nam cũng là một trong những điểm sáng nổi bật. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

EVFTA đã tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư EU. EU, hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ sáu tại Việt Nam, đã đầu tư 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án trên cả nước. Năm 2023, bất chấp làn sóng sụt giảm FDI trên toàn cầu, chín tháng đầu năm, các “đại bàng” EU bổ sung 800 triệu Euro vào thị trường Việt Nam, thể hiện niềm tin vào tiềm năng của đất nước.

Dù vậy, để khai thác triệt để tiềm năng thu hút thêm FDI nhờ EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) cần phải được phê chuẩn. EVIPA yêu cầu sự đồng ý riêng lẻ từ tất cả 27 quốc gia thành viên của EU. Đến thời điểm hiện tại, đã có 18 quốc gia thành viên phê chuẩn EVIPA và việc bảo đảm các thành viên còn lại “gật đầu” với hiệp định này là điều cần thiết.

EuroCham Việt Nam tiếp tục vận động tích cực cho việc phê chuẩn EVIPA giữa các bên liên quan ở EU. Thỏa thuận này kỳ vọng thúc đẩy đáng kể niềm tin của các nhà đầu tư và mở đường cho việc tăng cường đầu tư của doanh nghiệp EU vào Việt Nam.

Doanh nghiệp EU gặp khó khăn gì khi thực hiện EVFTA?

Không thể phủ nhận, EVFTA mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp EU tại Việt Nam. Nhưng cuộc khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II/2024 của EuroCham đã nêu bật những thách thức chính đang diễn ra. Cụ thể như sau:

Quy định phức tạp: Nhiều công ty nhận thấy, các quy định của Việt Nam khó áp dụng.

Không công nhận các tiêu chuẩn quốc tế: Chính quyền địa phương đôi khi không chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, điều này có thể gây ra sự chậm trễ và tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như y học và sản xuất công nghệ cao.

Thiếu hiểu biết: Không phải ai cũng hiểu rõ cách thức hoạt động của EVFTA, điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội và những sai lầm ngoài ý muốn.

Các vấn đề hải quan: Cách hiểu khác nhau về các quy định hải quan có thể gây ra sự chậm trễ và tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp EU khi xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có chuỗi cung ứng phức tạp hoặc sản phẩm đắt tiền.

Bất chấp thách thức, chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng của EVFTA. Thời gian tới, EuroCham cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết những thách thức này và bảo đảm EVFTA phát huy hết tiềm năng cho cả hai bên. Thông qua đối thoại cởi mở và hiểu biết lẫn nhau, EuroCham có thể tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và dễ dự đoán hơn, thúc đẩy kết quả đôi bên cùng có lợi cho doanh nghiệp.

Việt Nam tăng sức hấp dẫn nhờ EVFTA
Nhà máy Lego (Đan Mạch) đang xây dựng tại tỉnh Bình Dương. Đây là một trong những dự án FDI lớn nhất tại Bình Dương và cũng là một trong những dự án lớn nhất của Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Thời gian tới, doanh nghiệp hai bên cần làm gì để tận dụng lợi ích từ hiệp định lịch sử này, thưa ông?

Thứ nhất, đầu tư vào các chương trình đào tạo về EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ các điều khoản của hiệp định. Điều này bao gồm việc tìm hiểu về việc giảm thuế, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và các quy định cụ thể của ngành. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi ích mà hiệp định mang lại.

Thứ hai, sự tham gia tích cực với các chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp như EuroCham là rất quan trọng. EuroCham có thể chia sẻ kinh nghiệm và mối quan tâm, giúp các doanh nghiệp xác định, giải quyết các thách thức, từ đó, áp EVFTA suôn sẻ và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp hai bên nên ưu tiên đổi mới và thích ứng để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng phát triển của cả hai thị trường. Điều này có thể liên quan đến việc nâng cấp quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc thực hiện các hoạt động bền vững. Khi tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp có thể bảo đảm các quy định của EVFTA và tăng cường khả năng cạnh tranh ở cả hai thị trường.

Trong bối cảnh EU áp dụng nhiều tiêu chuẩn xanh hơn, ông có khuyến nghị gì để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh xuất khẩu?

Thị trường EU có tiềm năng rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để thành công, doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của Thỏa thuận xanh châu Âu. Thỏa thuận này bao gồm các quy tắc về trong lĩnh vực như phát thải carbon, phá rừng, thực hành kinh doanh có trách nhiệm và đòi hỏi đầu tư đáng kể vào công nhân lành nghề, công nghệ và tài nguyên.

Thay vì xem những yêu cầu này là trở ngại, doanh nghiệp Việt Nam nên xem đây là cơ hội để đầu tư có chiến lược và trở nên cạnh tranh hơn. Doanh nghiệp Việt cần đào tạo nhân viên về các phương pháp thực hành bền vững, sử dụng công nghệ xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí, làm việc hiệu quả hơn, biến việc tuân thủ Thỏa thuận xanh châu Âu thành lợi thế cạnh tranh.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, EuroCham Việt Nam cam kết cung cấp thêm các cơ hội đào tạo và nguồn lực tập trung vào việc tìm hiểu và thực hiện các quy định xanh. Những sáng kiến này sẽ trang bị cho doanh nghiệp các công cụ và kiến thức cần thiết để thích ứng với bối cảnh phát triển bền vững, phát triển mạnh ở thị trường EU.

Để khuyến khích sự hợp tác và thúc đẩy hành động cụ thể hướng tới một tương lai xanh hơn, EuroCham sắp tổ chức Diễn đàn & Triển lãm kinh tế xanh (GEFE) 2024. Tiếp nối thành công của các sự kiện trước đó, GEFE 2024 sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 21-23/10, với nhiều phiên hội nghị chuyên sâu, triển lãm giới thiệu những đổi mới xanh từ hàng trăm công ty và đối thoại chính sách cấp cao từ Việt Nam và châu Âu.

Sự kiện quan trọng này sẽ quy tụ những “người chơi” chủ chốt trong ngành, các quan chức chính phủ, học giả, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng nhau, chúng ta sẽ khám phá các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận xanh châu Âu, giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng thành công trong một thị trường toàn cầu bền vững.



Nguồn:https://baoquocte.vn/viet-nam-tang-suc-hap-dan-nho-evfta-280914.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem