Sunday, October 6, 2024
#
HomeKinh tếĐồng Nhân dân tệ tăng nỗi lo mới của doanh nghiệp xuất...

Đồng Nhân dân tệ tăng nỗi lo mới của doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc


Doanh nghiệp xuất khẩu tại Trung Quốc phải đối mặt với một thách thức mới: đồng Nhân dân tệ (NDT) tăng giá.

(Nguồn: CNBC)
Sau khi suy yếu liên tục trong nửa đầu năm, đồng Nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài đã mạnh lên so với đồng bạc xanh trong gần một tháng qua. (Nguồn: CNBC)

Ngày 5/8, đồng NDT được giao dịch ở Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng so với đồng USD, ở mức mạnh nhất vào năm 2024 – dưới 7,1 NDT/USD, theo Wind Information.

Những động thái mạnh mẽ này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu bị bán tháo khi các nhà đầu tư đánh giá lại triển vọng của họ đối với nền kinh tế Mỹ và khả năng cắt giảm lãi suất tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Lãi suất cao đã củng cố đồng USD và các tài sản liên quan.

NDT tăng, doanh nghiệp không nhận đơn hàng

Đồng bạc xanh mạnh khiến NDT của Trung Quốc yếu đi, từ đó, hàng xuất khẩu của Trung Quốc có giá cạnh tranh ở nước ngoài. Sau khi suy yếu liên tục trong nửa đầu năm, nội tệ Trung Quốc giao dịch ở nước ngoài đã mạnh lên so với đồng bạc xanh trong gần một tháng qua.

Winnie Wang, chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới Thâm Quyến cho hay, nhiều công ty thương mại, đặc biệt là những công ty nhỏ, hiện đang áp dụng chiến lược không nhận đơn đặt hàng.

Cô Winnie Wang cho hay, có một công ty đã kiếm được doanh thu 20 triệu NDT (khoảng 2,8 triệu USD) trong thời gian đồng nội tệ Trung Quốc suy yếu và tăng lương cho nhân viên. Tuy nhiên, công ty đã không giành được đơn hàng nào trong tháng 7 vì đồng NDT mạnh hơn khiến giá hàng hóa đi lên và họ phải tăng giá bán.

Ryan Zhao, Giám đốc của một công ty tập trung vào xuất khẩu Jiangsu Green Willow Textile thì cho rằng, những biến động gần đây về tỷ giá hối đoái sẽ làm giảm khoảng 2% lợi nhuận trên các khoản phải thu của công ty trong tháng này.

Ông nói: “Chúng tôi lo ngại rằng, đồng NDT tăng giá kéo dài sẽ dẫn đến việc các nhà cung cấp hàng hóa tăng giá, điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu”.

Ngày 7/8, dữ liệu hải quan Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, xuất khẩu – động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nửa đầu năm, đã tăng 7% trong tháng 7/2024 so với cùng kỳ năm trước, đạt 300,56 tỷ USD.

Xuất khẩu trở thành điểm sáng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước tỷ dân chậm lại. Nhiều công ty địa phương từ các nhà sản xuất ô tô đến các công ty thương mại điện tử đã đẩy nhanh kế hoạch mở rộng ra nước ngoài để nắm bắt cơ hội tăng trưởng nhanh hơn ở nước ngoài.

Điều đó cũng có nghĩa là các công ty Trung Quốc hiện phải đối mặt nhiều hơn với rủi ro biến động tiền tệ.

Trong hai năm qua, cơ quan quản lý ngoại hối của đất nước này đã xuất bản các hướng dẫn về cách các doanh nghiệp có thể giảm thiểu những rủi ro như vậy.

Ông Chris Pereira, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của công ty tư vấn iMpact nhận định: “Ngoài lý do địa chính trị, các công ty Trung Quốc ngày càng tập trung vào phòng ngừa rủi ro tiền tệ”.

Thay đổi kỳ vọng

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu đã tăng cường tập trung vào rủi ro tiền tệ trong những ngày gần đây. Nhiều nhà đầu tư, tổ chức đã bắt đầu hủy bỏ giao dịch mua bán chênh lệch phổ biến bằng đồng Yen Nhật. Đồng tiền này từng đóng một vai trò hấp dẫn trong việc phân bổ tài sản toàn cầu cho đến khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tăng lãi suất vào tháng trước lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Đồng NDT cũng giữ vai trò hấp dẫn tương tự do lãi suất thấp ở Trung Quốc. Nhưng một số nhà phân tích dự đoán, điều đó có thể thay đổi.

Chu Ji, nhà phân tích ngoại hối vĩ mô tại Nanhua Futures thông tin: “Thay vì NDT, một lượng lớn ngoại tệ đang chờ thanh toán. Doanh nghiệp chưa thanh toán tiền vào đầu năm do kỳ vọng, NDT sẽ suy yếu so với USD. Quan điểm này được hỗ trợ một phần bởi việc cắt giảm lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc”.

“Gã khổng lồ” thời trang nhanh Shein và PDD Holdings’Temu là hai trong số những ví dụ nổi tiếng nhất về các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp nhỏ – có thể có nhà máy riêng ở Trung Quốc đã gia nhập ngành này để bán hàng trên TikTok, Amazon.com hoặc các nền tảng do Alibaba điều hành.

Ông Wang chỉ ra rằng, các công ty lớn của Trung Quốc có xu hướng đàm phán các thỏa thuận với các đối tác kinh doanh để giảm thiểu rủi ro tiền tệ.

Trong khi đó, ông Chris Sun, người sáng lập và CEO của BrandPal – một công ty tiếp thị dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào video ngắn nói rằng, đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài là một phần trong nỗ lực chuyển vốn ra bên ngoài Trung Quốc. Điều này khiến họ ít bị ảnh hưởng bởi những động thái tiền tệ mới nhất.

“Các công ty nhỏ đã tập trung vào việc chi tiêu NDT ở Trung Quốc, trong khi kiếm được USD thông qua bán hàng ở nước ngoài”, ông Chris Sun nhấn mạnh.



Nguồn:https://baoquocte.vn/dong-nhan-dan-te-tang-noi-lo-moi-cua-doanh-nghiep-xuat-khau-trung-quoc-281759.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem