Tàu phá băng hộ tống tàu chở hàng dọc theo Tuyến đường biển Bắc Cực của Nga. (Nguồn: Rosatom) |
Tuyến đường biển Bắc Cực (NSR) của Nga cho phép Moscow tiếp tục xuất khẩu dầu sang Trung Quốc, bất chấp các lệnh trừng phạt. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường.
Với trữ lượng dầu khí khổng lồ tại Bắc Cực, Nga đặt mục tiêu tăng đáng kể năng lực vận chuyển hàng hóa của NSR. Việc các tàu chở dầu của Nga bị trừng phạt (sau khi nổ ra xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022) tiếp tục sử dụng NSR nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường này và các mỏ hydrocarbon ở Bắc Cực của Nga. Điểm đến cuối cùng của các tàu được cho là Trung Quốc, làm nổi bật lý do tại sao Điện Kremlin đã thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng NSR và các hoạt động ở Bắc Cực kể từ năm 2014, khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea.
Trung Quốc – đối tác quan trọng hàng đầu của Nga
Về mặt địa chính trị, Trung Quốc không chỉ là một cường quốc thế giới đối với Nga, mà còn nắm giữ một trong 5 ghế Thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Chỉ cần một quyền phủ quyết tại Hội đồng là đủ để ngăn chặn bất kỳ nghị quyết nào của cơ quan này.
Thời gian qua, Nga cung cấp nguồn dầu khí ổn định sang Trung Quốc với giá bán được cho là thấp hơn giá của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+). Một phần lớn trong số hàng này đi qua đường ống, bao gồm tuyến đường trung chuyển khí đốt “Sức mạnh của Siberia”. Dự kiến, đường ống sẽ vận chuyển 30 tỷ mét khối (Bcm) trong năm nay và 38 Bcm vào năm 2025.
Một phần khác là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), dự kiến vào khoảng 10 Bcm, sẽ được giao vào cuối năm nay. Không giống như khí đốt được cung cấp qua đường ống, LNG không đòi hỏi nhiều năm xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém và không nhất thiết phải tuân theo các hợp đồng dài hạn. Thay vào đó, nếu cần, mặt hàng này có thể được mua trên thị trường giao ngay và được vận chuyển đến bất cứ nơi nào một cách nhanh chóng.
Có thể khẳng định rằng, bất kỳ sự leo thang quân sự lớn nào trên thế giới sẽ chỉ làm tăng thêm tầm quan trọng của LNG trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu.
Mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Trung Quốc khiến việc đảm bảo Bắc Kinh luôn nhận được dầu và khí đốt trở nên rất quan trọng đối với Moscow. Trong bối cảnh Nga phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, NSR vẫn cho phép nước này cung cấp năng lượng cho Trung Quốc một cách tương đối dễ dàng.
Vấn đề duy nhất là do vị trí của nó ở Bắc Cực băng giá, các tàu không thể ra khơi trong suốt tháng 3 đến tháng 5, đồng thời cũng gặp khó khăn vào những thời điểm khác trong năm. Vì vậy, Nga đã và đang thực hiện một sáng kiến lớn để đảm bảo rằng NSR vẫn hoạt động trong cả năm.
Trả lời phỏng vấn OilPrice, một nhà phân tích dầu mỏ cấp cao tại Moscow cho biết: “Với NSR, 33 triệu tấn hàng hóa đã được vận chuyển vào năm 2021, 34 triệu tấn vào năm 2022 và hơn 36 triệu tấn trong năm ngoái. Tập đoàn năng lượng nhà nước Rosatom, đơn vị quản lý một đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, và Novatek, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga, đồng thời là đơn vị tiên phong trong các dự án phát triển LNG ở Bắc Cực cho biết, họ có thể hỗ trợ tăng lên 100 triệu tấn vào năm 2026 và 200 triệu tấn vào năm 2030”.
Nga chắc chắn có các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực để thúc đẩy mở rộng xuất khẩu, với ước tính 35,7 nghìn tỷ mét khối (Tcm) khí đốt, hơn 2,3 tỷ tấn dầu. Phần lớn trong số này nằm ở bán đảo Yamal và Gydan, phía Nam Biển Kara.
Theo bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, 10 đến 15 năm tới sẽ chứng kiến sự mở rộng đáng kể trong việc khai thác các nguồn tài nguyên này ở Bắc Cực và NSR sẽ phát triển như một tuyến vận chuyển chính, đặc biệt là sang Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động dây chuyền đầu tiên trong dự án LNG 2 Bắc Cực tại Murmansk, Nga, tháng 7/2023. (Nguồn: AFP) |
Ngay từ thời điểm cuối năm 2021, người ta đã tiết lộ rằng, một mỏ khí đốt với trữ lượng lớn ở Biển Kara đã được gã khổng lồ dầu mỏ của Nga, Rosneft, phát hiện. Mỏ này, được đặt theo tên của người anh hùng quân đội Liên Xô, Nguyên soái Georgy Zhukov, với trữ lượng khí đốt tự nhiên ước tính là 800 Bcm, nằm trong cấu trúc Vikulovskaya, một phần của khu vực cấp phép East Prinovozemelsky-1, nơi tập đoàn Rosneft có quyền thăm dò và sản xuất từ ngày 11/11/2020 đến ngày 10/11/2040. Rosneft cũng đang phát triển dự án Vostok Oil ở Cực Bắc của Nga, bao gồm cụm Vankor, khối Zapadno-Irkinsky, nhóm mỏ Payakhskaya và cụm Đông Taimyr.
Nhìn chung, ước tính trữ lượng hydrocarbon lỏng đã được chứng minh vào khoảng ít nhất 6 tỷ tấn (51 tỷ thùng), tất cả đều gần NSR. Tổng giám đốc điều hành Rosneft Igor Sechin đã nói với Tổng thống Putin rằng, với việc thăm dò đang được tiến hành tại dự án Vostok Oil và công việc thiết kế cho đường ống dẫn dầu dài 770 km cũng như cảng đã hoàn thành, kế hoạch này sẽ tạo ra một “tỉnh dầu khí mới” trên bán đảo Taymyr của Siberia thuộc Nga.
“Tuyên chiến” với USD của Mỹ
Nỗ lực khai thác khí đốt và dầu mỏ ở Bắc Cực của Moscow cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch của Nga và Trung Quốc nhằm lật đổ quyền bá chủ dựa trên đồng USD của Mỹ trên thị trường năng lượng, đặc biệt là khi nó có sự góp mặt của một trong những nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới và một trong những người mua lớn nhất của nước này.
Ngay từ rất sớm trong lịch sử các dự án LNG ở Bắc Cực, Giám đốc điều hành của Novatek, Leonid Mikhleson, đã cho biết rằng, họ đang cân nhắc sử dụng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong các giao dịch bán hàng trong tương lai. Điều này phù hợp với bình luận của ông về triển vọng các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ khi đó – sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 – rằng chúng sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình Nga chuyển hướng khỏi các giao dịch dầu khí tập trung vào đồng bạc xanh.
Ông nói: “Vấn đề này đã được thảo luận trong một thời gian với các đối tác thương mại lớn nhất của Nga như Ấn Độ và Trung Quốc, và thậm chí các nước Arab cũng đang bắt đầu nghĩ về điều đó… Nếu họ thực sự gây khó khăn cho các ngân hàng Nga thì tất cả những gì chúng tôi phải làm là thay thế USD”.
Ngay từ năm 2014, một chiến lược như vậy đã được thử nghiệm, khi công ty Gazprom Neft do nhà nước điều hành đã giao dịch các lô hàng dầu thô bằng đồng Nhân dân tệ và Ruble với Trung Quốc và châu Âu, nhằm giảm sự phụ thuộc của Moscow vào giao dịch bằng USD, với mục tiêu đáp trả các lệnh trừng phạt ban đầu của phương Tây đối với ngành năng lượng của Nga.
Trọng tâm của những bình luận này đã được cựu Phó Chủ tịch điều hành của Ngân hàng Trung Quốc, Zhang Yanling, lặp lại trong bài phát biểu vào tháng 4/2022 rằng, các lệnh trừng phạt mới nhất đối với Nga khi đó sẽ “khiến Mỹ mất đi uy tín và làm suy yếu ‘ngôi vương’ của đồng USD trong thời gian dài”. Bà cũng gợi ý rằng Trung Quốc nên sớm giúp thế giới “loại bỏ quyền bá chủ của đồng bạc xanh”.