Bất động sản mới nhất: Thị trường chung cư Hà Nội bước vào giai đoạn tăng trưởng mới khi nguồn cung và lượng tiêu thụ năm 2024 được kỳ vọng cao nhất trong năm 5 năm. (Ảnh: Linh An) |
Căn hộ Tây Hà Nội dẫn sóng thị trường
Đi qua nửa đầu năm 2024, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận diễn biến sôi động trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, các dự án mới đầy đủ pháp lý được phê duyệt nhỏ giọt. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến đà tăng giá mạnh mẽ của giá chung cư cả về sơ cấp lẫn thứ cấp.
Báo cáo thị trường BĐS mới đây của CBRE Việt Nam đưa ra một số dữ liệu đáng chú ý. Đơn vị này nhận định, giá chung cư tại Hà Nội có tốc độ tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, giá sơ cấp quý II/2024 tăng 6,5% so với quý trước và tăng gần 25% theo năm. Cùng chiều diễn biến, giá chung cư thứ cấp tăng 5% theo quý và 22% theo năm.
Nguồn cung căn hộ chung cư mở bán trong quý II cũng tăng gấp 4 lần so với quý trước, đạt xấp xỉ 8.500 căn, tập trung nhiều tại khu Tây Hà Nội với dự án đại đô thị Vinhomes Smart City. Về sức mua, tính riêng quý II/2024, số căn toàn thị trường Hà Nội đã bán đạt 10.170 căn, gấp 5 lần quý I/2024. Tổng số căn bán được trong 2 quý đầu năm 2024 vượt mức ghi nhận trong cả năm 2023.
Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing cũng đưa ra dữ liệu khảo sát tương đồng. Đơn vị này đánh giá, thị trường chung cư Hà Nội bước vào giai đoạn tăng trưởng mới khi nguồn cung và lượng tiêu thụ năm 2024 được kỳ vọng cao nhất trong năm 5 năm. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thị trường Hà Nội ghi nhận hơn 52.000 giao dịch, trong đó chung cư cả sơ cấp và chuyển nhượng chiếm tới 54%.
Theo ghi nhận từ đơn vị này, nguồn cung sơ cấp Hà Nội quý II/2024 đạt khoảng 8.400 căn, tăng 97% so với quý trước và tăng 340% theo năm. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 8.300 căn, trong đó cũng tập trung phần lớn ở khu tây Hà Nội.
Nguồn cung mở bán lớn cộng hưởng với vị trí địa lý thuận lợi khi hệ thống giao thông kết nối liên hoàn, quy hoạch bài bản là lý do khiến đại đô thị Vinhomes Smart City trở thành tâm điểm của thị trường chung cư Hà Nội.
Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ đấu giá 9 khu đất đắc địa
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa công bố danh mục 9 khu đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng trong năm nay. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh sẽ tổ chức việc đấu giá.
Cụ thể, tại TP Vũng Tàu có khu đất chợ du lịch (cũ) tại phường Thắng Tam với diện tích hơn 2,9ha; khu 13,8ha tại Mũi Nghinh Phong, phường 2; khu đất thu hồi của Công ty TNHH Sáng kiến Y tế Quốc tế Vũng Tàu, phường 11; khu 76,7ha tại đô thị đường 3/2 tại phường 10, phường 11 và khu 1,4ha (Tôm càng xanh) tại phường Thắng Tam. Tổng diện tích của các khu đất này gần 99ha, được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ, đất y tế, đất ở.
Tại huyện Long Điền có khu 0,68ha thu hồi của Công ty cổ phần Thành Chí; khu 0,71ha thu hồi từ kho hải sản Long Hải và khu 1,11ha thu hồi của Tổng Công ty Mía đường II. Cả 3 khu đất này đều tọa lạc tại thị trấn Long Hải và được quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ.
Cuối cùng là khu đất 1,7ha tại phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, được quy hoạch là đất cơ sở y tế để thực hiện dự án bệnh viện với quy mô 200 giường bệnh.
Dự kiến sau khi đấu giá thành công 9 khu đất trên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thu về hơn 10.000 tỷ đồng. Đây là giá tạm tính theo bảng giá đất của tỉnh giai đoạn 2020-2024.
Trước đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từng lên kế hoạch tổ chức đấu giá 41 khu đất trong năm nay, với tổng diện tích hơn 110ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có 9/41 khu đất được công bố đưa ra đấu giá.
Nếu BĐS tăng giá trên 20% trong 3 tháng, Nhà nước sẽ điều tiết
Theo nghị định mới, khi chỉ số giá giao dịch BĐS có sự biến động tăng, giảm trên 20% trong 3 tháng, các bộ ngành sẽ phải đề xuất biện pháp điều tiết thị trường.
Đây là quy định được đặt ra tại Nghị định 96/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 96), có hiệu lực từ ngày 1/8.
Theo đó, Bộ Xây dựng thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ hoặc căn cứ vào chỉ số giá, chỉ số lượng giao dịch BĐS và các chỉ số, số liệu thống kê về kinh tế – xã hội thuộc các ngành, lĩnh vực khác liên quan đến thị trường BĐS để đánh giá tình hình thị trường BĐS và đề xuất thực hiện điều tiết thị trường BĐS.
Nghị định nêu rõ: Việc nghiên cứu, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường BĐS được thực hiện khi chỉ số giá giao dịch BĐS có sự biến động tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng. Hoặc thị trường BĐS có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế – xã hội.
Về việc đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường BĐS, trong thời hạn 15 ngày, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh để tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường BĐS để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường BĐS liên quan đến chính sách pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS; về chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở, BĐS; về cơ cấu sản phẩm BĐS.
Các biện pháp điều tiết thị trường BĐS liên quan đến chính sách pháp luật về đầu tư, đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các chính sách pháp luật về đất đai.
Bộ Tài chính đề xuất các biện pháp liên quan đến chính sách pháp luật về thuế, tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất liên quan đến chính sách pháp luật về tín dụng.
UBND cấp tỉnh rà soát việc triển khai thực hiện các dự án BĐS của các địa phương, doanh nghiệp và đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường BĐS trên địa bàn.
Sau đó, Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường BĐS trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Trường hợp các biện pháp điều tiết thị trường BĐS vượt thẩm quyền Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Việc điều tiết thị trường BĐS bảo đảm cung cầu, cơ cấu sản phẩm BĐS, phù hợp theo từng giai đoạn của thị trường còn được thực hiện thông qua việc lập, trình phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, nhà ở.
Dự án Đô thị thời đại – Sun Urban City với quy mô lên đến 420ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. (Nguồn: Sun Group) |
Sun Group khởi công dự án 35.000 tỷ đồng
Sáng 8/8, tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam), Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khởi công dự án Đô thị thời đại – Sun Urban City với quy mô lên đến 420ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị Hà Nam, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.
Đô thị thời đại – Sun Urban City tọa lạc tại khu vực Bắc Châu Giang (thành phố Phủ Lý) – cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, cách Hà Nội 50 km với chỉ 45 phút lái xe. Đại đô thị Sun Urban City được phát triển theo mô hình đô thị nghỉ dưỡng ngoại ô với 1.001 tiện ích, nơi người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe toàn diện với Khu dưỡng lão, bệnh viện chuyên biệt, có không gian rộng lớn để dạo bộ, sum vầy cùng những người bạn đồng niên và con cháu; người trẻ, trẻ em thỏa sức đắm mình vào những trải nghiệm vui chơi giải trí mới lạ…
Sun Urban City sở hữu vị trí tâm điểm kết nối giao thông “đường bộ – đường sắt – đường không” của Hà Nam. Đô thị thời đại – Sun Urban City có mật độ xây dựng chỉ 18%, không gian cây xanh mặt nước lên đến 200ha cùng tổ hợp 5 đại công viên, kiến tạo một không gian sống sinh thái, đẳng cấp, gần gũi thiên nhiên.
Với giao thông thuận lợi, quy hoạch bài bản cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp, Đô thị thời đại – Sun Urban City Hà Nam được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hàng đầu để an cư, nghỉ dưỡng và vui chơi, trải nghiệm của người dân Hà Nam và miền Bắc.