Giá cà phê hôm nay 11/8/2024
Giá cà phê thế giới giảm mạnh phiên cuối tuần, nhưng vẫn tăng mạnh trong cả tuần.
Giá cà phê trong nước tuần này đi ngược xu hướng thế giới, khi giảm sâu bất chấp sàn London tăng mạnh. Tuần này, cà phê nội địa mất trung bình 4.000 đồng/kg, hiện giao dịch trong khoảng 118.600 – 119.300 đồng/kg.
Tổng kết cả tuần, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng 99 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 4 Cent/lb. Trong khi tuần trước, giá cà phê robusta giảm 75 USD/tấn, giá cà phê arabica tăng 0,25 Cent/lb. Dù cà phê có 2 phiên cuối tuần giảm sâu, nhưng đà tăng đầu tuần vẫn giúp thị trường tăng điểm sau khi kết thúc 1 tuần giao dịch.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, tình hình kinh tế thế giới, nhất là kinh tế Mỹ và thông tin thời tiết sương giá tại Brazil ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến thị trường cà phê tuần này. Hiện giá cà phê ở mức tăng gần 2,5 lần so với thời điểm này năm ngoái. Nông dân phấn khởi, nhưng ngược lại, doanh nghiệp lại lo lắng vì nguồn cung cà phê khan hiếm. Dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp tục làm ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng tỷ USD này.
Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần (10/8) giảm 2.500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. |
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam chốt phiên giao dịch tuần này (ngày 9/8), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 110 USD, giao dịch tại 4.326 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 giảm 91 USD giao dịch tại 4.162 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm rất mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 giảm 11,25 Cent, giao dịch tại 234,05 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 giảm 9,10 Cent, giao dịch tại 230,25 Cent/lb. Khối lượng giao dịch cao.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần (10/8) giảm 2.500 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Diễn biến gần đây cho thấy, mặt hàng cà phê đang chịu ảnh hưởng nhiều từ thị trường chứng khoán và tiền tệ quốc tế.
Mặt khác, áp lực nguồn cung thiếu hụt cũng là mối lo của các nhà rang xay như trường hợp tại thị trường Brazil, giá kỳ hạn gần giảm nhẹ nhưng kỳ hạn năm 2025 tăng mạnh. Nguyên nhân, dự báo vùng trồng cà phê của nước này sẽ đối mặt với thời tiết lạnh hơn trong năm nay. Nơi lạnh nhất nhiệt độ giảm khoảng 5 độ C. Thông tin này đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, trong một bản tin mới đây Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) ước tính niên vụ cà phê 2023 – 2024, sản lượng cà phê toàn cầu khoảng 10,68 triệu tấn giảm tới 5,83% so với niên vụ trước. Còn niên vụ 2024 – 2025 sản lượng đạt 10,62 triệu tấn, tiếp tục giảm khoảng 60.000 tấn so với niên vụ trước.
Ngoài ra, về cung cầu, trong khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu về cơ bản vẫn duy trì mức thấp thì ngược lại, nhà nhập khẩu lớn là Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng. Đầu tháng này, EU gửi đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông báo một số dự thảo kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, cà phê là đối tượng chịu ảnh hưởng khi nồng độ hoạt chất Zoxamide bị điều chỉnh từ 0,05ppm hiện tại xuống chỉ còn 0,01ppm.
Bên cạnh đó, EU áp dụng thêm 2 hoạt chất mới với cà phê là Fenbuconazole và Penconazole, nồng độ áp dụng là 0,05ppm. Những quy định này sẽ khiến sản phẩm vào EU thêm khó khăn và góp phần gây biến động giá. Thời gian góp ý cho những đề xuất này trong tháng 8/2024 và dự kiến sẽ được áp dụng vào tháng 2/2025.