Hồi đầu năm 2024, các Thượng Nghị sĩ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium của Moscow. Các trụ chứa uranium được vận chuyển từ Nga. (Nguồn: AFP) |
Centrus Energy không có máy ly tâm, đồng thời giấy phép Mỹ cấp để mua uranium từ Tập đoàn Rosatom (Nga) chỉ có hiệu lực cho đến năm 2026.
Tuy nhiên, công ty Centrus Energy thừa nhận sẽ chẳng thể hoạt động nếu không có nguồn cung cấp từ Nga cho đến ít nhất là cuối năm 2027.
Lệnh cấm của Mỹ đối với việc nhập khẩu uranium làm giàu của Nga là một trong những nguyên nhân làm tăng giá nhiên liệu hạt nhân tại nước này cũng như trên thị trường toàn cầu.
Hồi đầu năm, các Thượng nghị sĩ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium của Moscow.
Đây là một động thái nhằm cắt đứt một trong những dòng tiền quan trọng cuối cùng từ Mỹ sang Nga.
Đến tối 13/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký luật cấm nhập khẩu uranium được làm giàu từ Nga, bắt đầu 90 ngày đếm ngược trước khi các quy định có hiệu lực hoàn toàn. Đạo luật sẽ cấm hoàn toàn nhập khẩu uranium được làm giàu từ Nga sau 90 ngày.
Động thái cũng kích hoạt gói chi tiêu 2,7 tỷ USD cho nỗ lực thiết lập nguồn cung uranium nội địa cho các nhà máy điện hạt nhân Mỹ.
Theo đạo luật, Bộ Năng lượng Mỹ có thể cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu uranium từ Nga cho đến năm 2028, nếu họ chưa tìm được nguồn cung thay thế hoặc trong trường hợp vì lợi ích quốc gia.
Cuối tháng 6/2024, chi phí dành cho uranium giao ngay đã tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, lên 60 USD/1 kg. Giá trong các hợp đồng dài hạn cũng tăng 31%, lên mức 38 USD.
* Trước đó, hồi cuối tháng 5/2024, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov từng tuyên bố, lệnh cấm nhập khẩu uranium từ Moscow vào Washington sẽ ảnh hưởng đến chính đất nước của Tổng thống Joe Biden.
Theo hãng thông tấn TASS, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh: “Lệnh trừng phạt này của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp hạt nhân của chúng tôi – một trong những nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực này”.
Hiện uranium của Nga chiếm từ 20-25% thị trường nhiên liệu hạt nhân của Mỹ. Do đó, Washington khó có thể bù đắp ngay lập tức nguồn cung nhiên liệu hạt nhân từ Moscow.