Sunday, October 6, 2024
#
HomeKinh tếTruyền thông Đức bắt mạch kinh tế Nga lo ngại khả năng...

Truyền thông Đức bắt mạch kinh tế Nga lo ngại khả năng sụp đổ sau xung đột quân sự không thể tự gỡ rối


Nền kinh tế Nga có thể rất khó khăn để tồn tại sau khi chiến dịch quân sự tại Ukraine kết thúc và diễn ra quá trình tái lập định dạng kinh tế thời bình, từ nền kinh tế thời chiến.

Truyền thông Đức ‘bắt mạch’ kinh tế Nga, lo ngại khả năng sụp đổ
Truyền thông Đức ‘bắt mạch’ kinh tế Nga, lo ngại khả năng sụp đổ, không thể tự gỡ rối. (Nguồn: The Economist)

“Việc ngừng xung đột quân sự có thể đẩy Nga vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc mà quốc gia này không thể tự mình giải quyết”, đó là những nhận định trong một bài phân tích của tờ báo Đức_Welt.

Nền kinh tế Nga đã chứng minh rằng, họ có thể hoạt động tốt hơn mong đợi bất chấp các lệnh trừng phạt trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã bước sang năm thứ ba, nhưng sự tăng trưởng hiện tại của họ phần lớn được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp vũ khí.

Tờ Welt cho biết, các nhà kinh tế được họ phỏng vấn đều cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải duy trì sản lượng quốc phòng hiện tại ngay cả khi xung đột quân sự kết thúc, nếu không nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu sắc.

Tăng trưởng GDP của Nga hiện phụ thuộc hai yếu tố, thứ nhất là mức tiêu dùng trong nước liên tục tăng và yếu tố khác là chi tiêu theo yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, cả hai yếu tố này đều dựa trên các nhu cầu phát sinh trong bối cảnh xung đột quân sự Nga-Ukraine đang tiếp diễn.

“Nhưng liệu Nga sẽ duy trì nền kinh tế thời bình thế nào sau khi chiến dịch quân sự với Ukraine kết thúc? Làm thế nào để nền kinh tế thoát khỏi khó khăn khi nguồn ngân sách quốc phòng chỉ còn nhỏ giọt? Và liệu Điện Kremlin có tìm hướng đi mới cho nền kinh tế không, khi mô hình hiện tại có vẻ thuận tiện và tạo ra một tầng lớp những công dân hài lòng về mặt kinh tế?” bài báo đặt câu hỏi.

Tờ báo Đức viết, một số nhà nghiên cứu về kinh tế Nga đều tin rằng, Điện Kremlin sẽ cố gắng duy trì nền kinh tế thời chiến như hiện tại càng lâu càng tốt, ngay cả sau khi cuộc xung đột quân sự với Ukraine kết thúc. Với số lượng xe tăng và đạn dược đã bị phá hủy, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ cần nhiều năm để bổ sung vào kho dự trữ này. Và phần lớn những người vốn đang được hưởng lợi từ kinh tế thời chiến và không trông chờ vào việc phương Tây sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, có thể sẽ không hưởng ứng quá trình tái lập mô hình kinh tế thời bình.

Theo thông tin từ chính phủ Nga, đầu năm nay, ngành quốc phòng Nga (theo nghĩa hẹp) bao gồm 6.000 công ty với 3,5 triệu nhân viên. Ngoài ra còn có 10 công ty lớn liên quan đến ngành quốc phòng.

Trong nửa đầu năm 2024, tổng sản phẩm quốc nội của Nga tăng 4,7% so với mức 3,6 phần trăm được ghi nhận vào năm ngoái, theo số liệu thống kê của Nga. Vào cuối năm nay, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Nga sẽ ở mức 3,5-4% trong khi dự báo trước đó chỉ từ 2,5-3,5%.

Trên thực tế, ngân sách Liên bang Nga đã tăng gần 50% trong 3 năm qua, tăng lên mức 36.600 tỷ Ruble (khoảng 427 tỷ USD) trong năm 2024, từ 24.800 tỷ Ruble vào năm 2021, trước khi nổ ra xung đột quân sự tại Ukraine.

Việc Moscow tăng chi tiêu cho quốc phòng đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhờ đó tránh được kịch bản suy thoái như các dự báo ban đầu vào năm 2022, giữa bối cảnh nền kinh tế phải gánh chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhưng việc tăng mạnh chi tiêu cũng đã khiến lạm phát trong nước leo thang, buộc CBR phải tăng lãi suất. CBR đã tăng lãi suất chủ chốt lên 18% trong tháng trước, mức cao nhất kể từ khi tăng khẩn cấp lên 20% vào tháng 2/2022, trong nỗ lực hạ nhiệt nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ không bền vững.

Tuy nhiên, tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế vào tháng 7/2024 mới đây, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, động lực tăng trưởng của kinh tế Nga vẫn cao. Ông cho biết, các con số trong lĩnh vực kinh tế thực cũng khá tích cực. Trong giai đoạn từ tháng 1-5/2024, lĩnh vực sản xuất của Nga tăng gần 9%. Chế tạo máy được đánh giá như một trong những động lực chủ chốt trong lĩnh vực này với tốc độ tăng trưởng 2 chữ số.

Thủ tướng Nga nhấn mạnh điều rất quan trọng là đầu tư tiếp tục tăng, đặt cơ sở tốt cho tương lai. Cuối quý I/2024, đầu tư tăng gần 15%, chủ yếu vào các lĩnh vực máy móc, thiết bị, tài sản trí tuệ. Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết thêm, hoạt động tiêu dùng ở mức rất cao, chủ yếu do thu nhập của người dân tăng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến lạm phát tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến ngày 1/7, lạm phát của Nga tăng lên 4,5%.

Ông nhấn mạnh vấn đề lạm phát cần phải được giải quyết vì các tiêu chuẩn sống của người dân phụ thuộc vào điều này. Ông yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình vĩ mô và nếu cần, điều chỉnh tức thời kế hoạch hành động trong vấn đề lạm phát với sự phối hợp của CBR.

Giám đốc Bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Alfred Kammer, cho biết IMF ghi nhận sự tăng trưởng khá mạnh mẽ của nền kinh tế Nga, nhờ hoạt động kinh tế tích cực do xuất khẩu dầu vẫn mạnh trong bối cảnh giá cao, tiêu dùng phục hồi, thị trường lao động ổn định và tiền lương thực tế đang tăng lên.



Nguồn:https://baoquocte.vn/truyen-thong-duc-bat-mach-kinh-te-nga-lo-ngai-kha-nang-sup-do-sau-xung-dot-quan-su-khong-the-tu-go-roi-282279.html

Bài viết liên quan
#

Có thể bạn muốn xem