Giá cà phê hôm nay 19/8/2024
Giá cà phê thế giới trải qua một tuần tăng mạnh mẽ, arabica là động lực giúp robusta tăng mạnh trong 2 tuần qua, giữa bối cảnh nguồn cung cũng khan hiếm từ Việt Nam.
Giá cà phê trong nước hôm nay 19/8 giữ ổn định với cùng thời điểm hôm qua, giao dịch trong khoảng 117.300 – 118.100 đồng/kg. Trái ngược với đà tăng của cà phê 2 sàn thế giới, thị trường trong nước giảm nhẹ và ảm đạm.
Ghi nhận của Thế giới & Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (16/8), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 94 USD, giao dịch tại 4.665 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 tăng 74 USD giao dịch tại 4.452 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng tăng mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 5,55 Cent, giao dịch tại 245,45 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2024 tăng 6,05 Cent, giao dịch tại 244,10 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Trong tuần qua, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng 339 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 10,95 Cent/lb. Giá cà phê nội địa mất trung bình 1.000 đồng/kg. Tuần trước, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 tăng 99 USD/tấn. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng 4 Cent/lb. Giá cà phê nội địa mất trung bình 4.000 đồng/kg.
Giá cà phê robusta đạt mức cao nhất trong gần tháng qua, do những lo ngại rằng tình trạng khô hạn gần đây ở Brazil có thể khiến cho cây cà phê ra hoa sớm. Cooxupe, hợp tác xã cà phê hàng đầu của Brazil, cho biết cây cà phê vẫn như bị sốc vì một số vùng trồng cà phê ở Brazil không có mưa đủ mức cần thiết trong 120 ngày qua.
Nhận định thị trường tuần này, các chuyên gia cho hay, xét trên yếu tố cung – cầu và vị thể kinh doanh, giá cà phê 2 sàn tuần này khó “gặp hên” như tuần trước. Tuy nhiên tuần này người đứng đầu Fed sẽ có bài phát biểu quan trọng. Thị trường sẽ nghe ngóng để dự đoán xu hướng giảm lãi suất, điều này sẽ ảnh hưởng tới giá cà phê hiện tại.
Giá cà phê trong nước cuối tuần qua (17/8) tăng 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: BourbonCoffee) |
Theo Bloomberg, tuần qua trọng tâm câu chuyện để đẩy giá cà phê kỳ hạn có mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn một tháng tại New York là do lo ngại về nguồn cung tại quốc gia sản xuất hàng đầu Brazil.
Thị trường đã tăng khoảng 5% trong tuần này sau khi nông dân ở Brazil báo cáo một số trường hợp sương giá rải rác vào cuối tuần trước. Theo nhà phân tích Carlos Mera của Rabobank, “nỗi lo về sương giá tại Brazil vào đầu tuần này không xảy ra theo cách đáng lo ngại, nhưng đó là “lời nhắc nhở mạnh mẽ” về tình hình thị trường tại thời điểm này”.
Câu chuyện quan trọng thứ hai, tác động mạnh đến giá cà phê lúc này là việc triển khai luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu sắp diễn ra.
Thông tin thị trường cà phê
Giá cà phê trong nước cuối tuần qua (17/8) tăng 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. Đơn vị tính: VND/kg
(Nguồn: giacaphe.com) |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 76.982 tấn, trị giá 381,2 triệu USD, giảm 29,3% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng vừa qua đạt kỷ lục 4.951 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng tới 75,1% (tương đương 2.123 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê tăng 52,3% lên mức bình quân 3.682 USD/tấn. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu mặc dù giảm 12,4% so với cùng kỳ, nhưng giá trị thu về vẫn tăng 33,5%, đạt 979.353 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.
Với những yếu tố thuận lợi về giá, ngành cà phê được kỳ vọng có thể mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay.
Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) vẫn là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu với 381.699 tấn, trị giá 1,37 tỷ USD. Mặc dù lượng cà phê xuất khẩu sang EU giảm 10,7%, trị giá lại tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Đức, Italia và Tây Ban Nha đạt lần lượt là 121.500 tấn, 91.082 tấn và 71.734 tấn. So với cùng kỳ, lượng cà phê xuất khẩu sang Đức và Tây Ban Nha giảm lần lượt 11,6% và 14,5%, trong khi xuất khẩu sang Italia tăng 17,8%.
Xuất khẩu cà phê sang một số thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ và Nga đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường châu Á lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, với Indonesia tăng 50,4%, Philippines tăng 63,7%, Trung Quốc tăng 27,2%, Thái Lan tăng 68,7%, và Malaysia tăng 61,7%.
Với thị trường EU, nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu đang tăng lên do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR).
Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và mở rộng thị phần tại thị trường này. Đặc biệt, đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê khác, khi mức thuế đã được đưa về 0%.
Hiện Việt Nam đã vượt qua nhiều nước sản xuất hàng đầu khác như Ấn Độ, Thụy Sỹ, Brazil… để trở thành nhà cung cấp cà phê chế biến (cà phê hòa tan, hỗn hợp cà phê) hàng đầu vào EU chỉ sau thị trường Anh.